Không ít người cho rằng công nghệ, thiết bị và Internet sinh ra để phục vụ con người và chẳng có lý do gì họ phải ghi nhớ đủ loại thông tin khi mà đã có smartphone hỗ trợ. Tuy nhiên, không chỉ lười ghi nhớ, nhiều người còn lười cả suy nghĩ.
"Có những vấn đề mà chúng ta không thể tra cứu Google thể tìm câu trả lời", Gordon Pennycook, đồng tác giả nghiên cứu tại Waterloo (Canada), chia sẻ với NBC News. "Việc quá phụ thuộc vào Internet khiến bạn không dám chắc bạn trả lời đúng không trừ khi bạn suy nghĩ một cách logic và thấu đáo".
Chẳng hạn, khi gặp một câu hỏi, người dùng không nghĩ đủ lâu mà họ nhanh chóng tìm đến Google. Càng ngày, họ càng phụ thuộc nhiều hơn vào chiếc smartphone bên cạnh vì luôn muốn có câu trả lời ngay lập tức thay vì dành thời gian phân tích vấn đề.
Nhiều người có thói quen rút điện thoại ra tra cứu mỗi khi gặp một vấn đề, nhưng các nhà khoa học vẫn tranh cãi về việc liệu điều đó có ảnh hưởng đến tư duy của con người về lâu dài. |
Trong khảo sát của Pennycook, nhóm người thông minh thường đầu tư phân tích và tìm cách giải quyết các yêu cầu một cách hợp lý, trong khi những người kém thông minh hơn lại tra cứu thông tin trên điện thoại thường xuyên hơn.
Ông cho biết nghiên cứu này mới chỉ là bước đầu và cần có thêm các khảo sát mới để trả lời chính xác việc smartphone ảnh hưởng như thế nào đến tư duy hay có khiến mọi người trở nên lười nghĩ hơn hay không.
Theo Huffington Post, năm 2009, nhà nghiên cứu Clifford Nass tại Stanford (Mỹ) cũng nhận thấy những người quen làm việc đa nhiệm như vừa đọc e-mail, lướt web, vừa xem TV... lại thường kém tập trung hơn khi chỉ làm một việc.
Trong khi đó, Eric Kandel, nhà thần kinh học tại Đại học Columbia (Mỹ) cho rằng hiện còn quá sớm để kết luận smartphone ảnh hưởng lâu dài đến kỹ năng tư duy. Điện thoại thông minh bắt đầu phổ biến cách đây chưa đầy một thập kỷ còn World Wide Web chỉ mới ra đời được 25 năm. "Vì smartphone còn quá mới, chúng ta đơn giản chưa đủ thời gian để biết câu trả lời", Kandel nói.
Minh Minh
Nguồn: TKT News
0 nhận xét:
Đăng nhận xét